Bức ảnh họ ngoại và những tản mạn thời quá khứ


Khi hoàn thiện ngôi nhà mới xây trên mảnh đất bố mẹ sinh sống từ năm 1955 cậu kĩ sư thiết kế khuyên chúng tôi trang trí bức tường cầu thang bằng một tấm ảnh chụp đại gia đình. Ý tưởng hay đấy. Chụp lúc nào nên lúc đó. Mấy anh chị em bảo nhau. Vậy mà mấy năm trôi qua rồi, chỗ tường ấy vẫn trống, tôi đành treo vào đó một bức phù điêu nhựa ép.

Tấm ảnh 6x9 vàng ố này duy nhất mình tôi giữ được, ngày xưa nó được treo cùng nhiều bức ảnh khác trong một khung kính ở một vị trí trang trọng trên tường nhà. Nó được chụp từ thuở tôi chưa có trên đời, vậy mà thuộc tên, nhớ mặt từng người trong ảnh. Ngày xa xưa, bao nhiêu lần bố mẹ đã bồng tôi cao lên, lấy ngón tay chỉ từng người giải thích. Những khuôn mặt ấy đã đi vào tiềm thức... Hôm rồi scan lại bức ảnh để lưu giữ, gọi mẹ lại bên hỏi mẹ nhận ra những ai trong ảnh. Mắt mẹ không còn tinh, người nhận ra, người không. Vậy là tôi làm cái việc lấy ngón tay chỉ từng người giải thích. Một cảm giác xốn xang. Không phải thời trẻ của mình sao nghe tim loạn nhịp.

scan0008

Mùa xuân 1961. Công viên Thống Nhất vừa mở cửa đón khách, họ ngoại cùng nhau du xuân. Xúng xính áo quần, tíu tít nói cười. Cả nhà chụp một bức ảnh trước cây cầu dẫn vào đảo Hoà Bình, biểu tượng mới của Hà Nội thời kì này. Chẳng ai ngờ cái sung túc đang hao mòn sẽ còn teo tóp đến thê thảm trong những năm tháng chiến tranh sau này.

Trong ảnh thiếu hai gia đình. Cậu mợ ở quê xa xôi đã đành. Gia đình Bác Cả sống cùng một khu phố sao không đi chơi cùng các em? Phải chăng người đàn ông giỏi giang nhất họ ngoại, thành viên Đảng Dân Chủ, sau khi bị liệt vào thành phần tư sản, bị cải tạo, bị tịch thu tài sản vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi hận. Quãng thời gian về sau, dù không còn giầu có nhưng ông vẫn cưu mang, đùm bọc các em. Nhắc đến Bác Cả bố tôi luôn dành cho ông những lời kính trọng.

Copy of scan0008

Gia đình tôi: Bố, Mẹ, Anh Cả, Chị Gái và Anh Thứ. Năm đó bố 47 tuổi, nhỏ hơn tuổi tôi bây giờ. Mẹ đang mang thai anh trên tôi. Tôi còn ở đâu đó trong cơ thể bố, nơi miền ngang hông .

Anh chị em chúng tôi ra đời cách nhau 2 năm một. Anh Cả sinh ở Hải Phòng. Đó là thời kì hoàng kim trong cuộc đời của bố mẹ, tôi nghe nói thế. Bố có tiệm may với chục người thợ học việc, mẹ có cửa hàng tạp hoá bên cạnh rạp chớp bóng Sông Cấm. Nhà có người giúp việc, bế em. Năm 1955, Hải Phòng là nơi tập kết dòng người từ các nơi đổ về chờ xuống tầu di cư vào Nam. Bố mẹ đứng trước một lựa chọn: Đi hay ở? Anh Cả lúc này mới vài tháng tuổi, liệu có chịu đựng nổi hành trình gian nan trên biển? Thành phố buổi giao thời hỗn quân hỗn quan, trộm cướp hoành hành. Đêm đêm, khi bố theo người chị ném tiền trên chiếu bạc, mẹ phấp phỏng lo sợ, sai người giúp việc mang các loại mâm chậu chặn cửa nhằm báo động nếu trộm đột nhập. (Thói quen này mẹ tôi giữ suốt những năm tháng về sau dù nhà chẳng còn gì để mất ). Cứ lùng nhùng như thế cho đến khi Bác Cả xuống Hải Phòng tìm bố tôi, thuyết phục đưa gia đình về Hà Nội quần tụ bên nhau trong cái buổi giao thời.

Bố mẹ tôi trở thành người Hà Nội như thế. Thời gian đầu chưa mua được nhà bố mẹ ở nhờ nhà Bác Cả trên phố Khâm Thiên. Tôi vẫn giữ được bức ảnh Anh Cả cưỡi ngựa gỗ trước căn phòng bố mẹ. Ngôi nhà của bác ghi dấu nhiều kỉ niệm ngày đầu về Hà Nội, dường như mẹ rất quyến luyến với nó, sau này khi đã mua nhà chỗ khác, mẹ vẫn hay dẫn chúng tôi về đấy chơi. Hình ảnh ngôi nhà đó ghi trong trí nhớ tôi, sâu đậm không kém nhà mình. Đó là một ngôi nhà sâu hút, bên ngoài là cửa hàng tạp hóa của bác gái. Cái cửa hàng ấy hấp dẫn tôi chả khác gì trẻ nhỏ ngày nay bị hấp dẫn bởi siêu thị. Lần nào lên nhà bác chơi, tôi cũng được chị con út của bác dẫn vào quầy, chị vui thích khi thấy bác gái cho tôi quà, dẫu chỉ là vài viên bi, cái còi, cái trống hay chiếc mặt nạ Trung Thu... Tiếp theo gian hàng là đến phòng khách, rồi một dãy nhà ngang có sân trời, trên bờ tường trồng nhiều cây cảnh. Bác Cả còn nuôi cả ong nữa. Thật thích thú đứng nhìn những con ong bé xíu chui ra chui vào qua những cái lỗ trên thùng gỗ. Bác dặn không được trêu ong nếu không muốn bị nó đốt. Tiếp đến là sân, bếp, xưởng cơ khí của bác và khu vệ sinh. Tôi nhớ trong sân có một cái giếng, hồi năm 72 khi phố Khâm Thiên bị B52 ném bom rải thảm, thịt người vương vãi khắp nơi, y tế thành phố đến xịt thuốc khử trùng và đề nghị lấp cái giếng đi.

Ngôi nhà bố mẹ tôi mua tuy nằm trên con phố khác nhưng cách nhà Bác Cả không xa. Đó là một ngôi nhà vách đất, lợp lá gồi nằm trong con ngõ dẫn vào một ngôi chùa cổ. Hàng xóm xung quanh làm nghề thêu và làm bún. Ngày bố mẹ dọn nhà, Bác Cả cho một vài thứ đồ đạc, trong số đó có cả chiếc tủ có tay nắm bằng đồng. Tại sao tôi lại nhớ rất rõ cái tủ ấy? Vì nó là thứ đồ đáng giá nhất trong nhà? Vì lúc nhỏ hay chui vào đó khi chơi chốn tìm với anh? Vì nó biến thành bàn thờ Anh Cả trong buổi lễ truy điệu? Có lẽ là tất cả.

Trong bức ảnh này gia đình tôi vẫn giữ được chút phong lưu sau 6 năm sống trong chế độ mới. Chỉ vài năm nữa thôi vòng xuyến, dây chuyền, hoa tai nhẫn của mẹ sẽ sang tay người khác, những chiếc áo dài mẹ mặc sẽ dỡ ra để may thành quần áo cho chúng tôi (Áo cánh nâu suốt đời chia xé/Bạc vải rồi vẫn ủ ấm lòng con – Lợi Trần). Tiểu thương không được chấp nhận trong xã hôi mới. Mẹ trở thành một phụ nữ lam lũ, làm đủ các việc từ đội than, đập đá, gánh nước thuê trước khi được một người họ hàng xin cho vào làm thợ ở hợp tác xã thuỷ tinh. (Bây giờ phổi mẹ rất yếu vì hít quá nhiều hơi than thời kì này). Những lúc mệt mỏi hay buồn bực mẹ hay so sánh xã hội hiện tại với quá khứ. Lúc nhỏ chúng tôi chỉ nghe thôi, lớn lên một chút thì đùa rằng mẹ phản động, ai đời lại thích cái thời thực dân, phong kiến kia chứ. Mẹ không biết chữ, không được học hành, nhưng chúng tôi không thể phản bác. Rành rành ra đó một sự xa xút thảm hại trong gia cảnh. Khi tôi ra đời không còn một chút dấu vết của “thời xa vắng”.

Copy of scan00081

Cậu Út rất giống mẹ tôi. Tôi có ít kí ức về cậu ngày quá khứ. Cậu lên Phú Thọ lập nghiệp khi còn là thanh niên. Có lần, khi tôi đang học năm đầu trường Đại học, hai cậu cháu nằm bên nhau, tôi hỏi vì sao ngày trẻ cậu bỏ Hà Nội ra đi. “Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt/ Nắng chói sông Lô, hò ơ tiếng hát” - cậu dẫn câu thơ của Tố Hữu giải thích sức hấp dẫn của vùng đất cậu quyết định đến. Nhưng tôi biết thực ra không hoàn toàn như vậy. Cậu ra đi để không bị lôi vào cuộc đấu tố Bác Cả.

Ngày ấy cậu là một công nhân trong xưởng cơ khí của anh mình. Bác Cả rất rõ ràng trong điều hành công việc. Anh em, con cháu làm việc trong xưởng đều “được” đối xử như những công nhân khác. Điều này gây ra cảm giác ấm ức cho không ít người là con cháu “làm thuê”. Lợi dụng chuyện đó, khi tiến hành cải tạo tư sản, người ta dùng họ như những con bài đấu tố "ông chủ". Trong số những người được nhắm để thực hiện việc ấy có cậu. Và vì thế cậu bỏ đi.

Nếu có danh hiệu “Người chồng xuất sắc” thì họ ngoại chắc chắn bầu người đàn ông đẹp trai như tài tử này. Vợ cậu rất đẹp, đến giờ bà vẫn đẹp. Theo lời kể của mẹ tôi thì cậu chu đáo lắm, mỗi lần về Hà Nội cậu tranh thủ tìm mua cho các con từ cái kim băng cài tã, cái cặp tóc… Lương được bao nhiêu cậu đưa vợ hết. Suốt một đời như thế nên cậu đã tạo cho mợ thói quen quản lý tuốt tuồn tuột. Bây giờ, khi đã già, đôi khi cậu phải dũng cảm để sửa sai! 

Copy of scan00084

Có những số phận Trời dè sẻn hạnh phúc đối với họ. Dì thuộc về số ấy. Được học hành rồi thoát ly đi hoạt động xã hội, rồi làm cán bộ nhà máy, những tưởng cuộc đời dì sẽ tốt đẹp hơn mẹ tôi. Dì lận đận đường chồng con. Người chồng đầu hy sinh trong quân ngũ, để lại cho dì một đứa con gái. Một mình nuôi con một thời gian dài. Rồi một người đàn ông cùng cơ quan thương yêu, nguyện đứng ra chăm sóc hai mẹ con. Dì quyết định đi bước nữa. Hai đứa con, một gái, một trai sinh ra trong cuộc hôn nhân sau. Rồi bạo bệnh lại cướp đi của dì người chồng thứ hai khi hai đứa trẻ còn quá bé bỏng.

Bức ảnh chụp khi dì chưa đi bước nữa. Đứa con gái đứng bên, về vai vế gọi tôi là anh. Hồi nhỏ tôi thấy ngượng ngịu lắm khi xưng hô với nó. Tôi chưa có trên đời nó đã lớn và chững trạc thế kia mà. Cuộc đời nó thật buồn. Một sự nối dài những bất hạnh đời dì. Đang làm giáo viên cấp 3 một trường có tiếng, chồng chết, nó đột ngột bỏ dạy đi buôn đất. Kiện tụng, vỡ nợ, trắng tay, phiêu bạt rồi qua đời không có ai ở bên.

…Mẹ tôi và dì thương nhau nhưng luôn khắc khẩu. Đông về, dì sai đứa cháu nội mang sang tặng mẹ tôi một chiếc áo choàng dạ và một chiếc khăn len. Trong lòng mẹ tôi vui lắm, con cháu đi làm về cứ níu đứa này, đứa kia để khoe, nhưng lại nói “Bà này đốc chết hay sao ấy. Có bao giờ mua cho chị cái gì đâu. Giờ lại cho khăn, cho áo”

Copy of scan00082

Gia đình Bác Thứ chụp ảnh cùng các em, nhưng bác trai đứng một bên, bác gái đứng một bên. Dấu hiệu của điều gì? Một sự rạn vỡ?

Khi  Bác Cả làm chủ xưởng cơ khí ở Hà Nội thì Bác Thứ và một người em đi bộ đội chống Pháp. Vì điều này mà lính Pháp cài mìn giật đổ ngôi nhà ông bà ngoại ở quê. Bác Thứ lái xe vận tải, từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi rời quân đội bác không trở về quê như người em mà làm thợ điện trong một nhà máy ở Hà Nội. Bác cưới một cô vợ bán hàng xén. Cuộc sống của họ cứ chủng chà chủng chẳng nhưng vẫn sinh một lũ con, sòn sòn hai năm một. 

Copy of scan00083

Từ khi còn bé tí tôi đã có cảm nhận vợ Bác Thứ nói nhiều nhất thế giới. Bác “mở máy” từ khi dắt xe vào sân đến tận lúc ra về. Trước bác, một người ít nói như bố tôi, mất điện toàn tập luôn. Tôi dùng kiểu ngôn ngữ này cũng là để mô phỏng lại ngôn ngữ bác gái dùng. Phải công nhận mỗi lần bác đến nhà (chẳng bao giờ thấy hai bác đi chung) là một lần chúng tôi được cập nhật ngôn ngữ sinh động của đời sống. Ào ào như cơn lốc, bác thốc vào nhà tôi những than phiền, ca thán. Bố tôi im lặng. Mẹ tôi hậm hực trước những lời bác trách móc chồng. Nghe chị dâu hạ bệ anh trai trước mặt bọn trẻ con có vui gì. “Thế mà sinh một đống con!” - mẹ lầm bẩm lúc quay vào nhà sau khi tiễn bác.
***

Khi kể về họ ngoại, sẽ là thiếu sót nếu không nói tới người cậu vắng mặt trong bức ảnh. Thực ra cậu bằng tuổi Bác Thứ, nhưng vì là con vợ lẽ nên chịu phận làm em. Cậu là một nhân vật đáng nhớ nhất trong tuổi thơ của chúng tôi. Nông dân nguyên chất cậu đi bộ đội. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ cậu về quê dựng nhà trên nền đất của ông bà ngoại. Hình như trí óc cậu không được sáng (dùng từ của vợ câu "Ông Hâm"). Tính cậu thế lại hoá vui. Mỗi lần cậu ở quê lên, nhà tôi vui như Tết. Cậu dạy chúng tôi hát những bài ca chiến dịch, oang oang kể chuyện bộ đội. Ngồi chưa nóng chỗ, cậu vội vã đi thăm anh Giáp. Chúng tôi cứ tưởng cậu nói tới Bác Thứ, hoá ra là cậu đi gặp tướng Giáp. Bọn trẻ con chúng tôi cứ hồi hộp chờ cậu về để nghe chuyện gặp vị tướng huyền thoại. Nhưng lần nào cũng thất vọng. Cậu bảo người ta không cho gặp. Mẹ tôi chỉ cười nhìn cậu.

Từ lâu cậu đã thành người thiên cổ. Các con cậu sống ở quê trông coi phần mộ của ông bà ngoại thay những đứa cháu đích tôn người Hà Nội.

***

Bức tường cầu thang nhà tôi vẫn chờ một tấm ảnh đại gia đình. Sao chúng tôi không bắt trước các cụ làm cái việc đơn giản là tập hợp anh em con cháu trong một bức hình nhỉ?
THOMOC at 12/06/2012 10:08 pm comment
Ôi những tấm hình vô giá và cộng thêm những lời thuyết minh .Gần như trở thành một cuốn phim - HAY LẮM ![img]111[/img]
THOMOC at 12/06/2012 11:23 pm reply
Củng như bên này thôi -Tất cả đều đả được chuyển từ lâu ![img]4[/img]
Trần Thành Nhân at 12/06/2012 10:18 pm reply
Đang để ở phần nháp, phân vân có nên post không, thấy Yahoo thông báo đóng cửa nên quyết định. Cám ơn nhé. Đang đọc Thợ mộc khùng trên blogspot [img]4[/img]


Nhận xét

  1. Em có dự định làm 1 bức ảnh thật to có cả nhà, và cả những bức ảnh nhỏ mà em ..rình chụp được lúc mẹ đi chợ về, bố đang nấu cơm. Sau khi đọc xong bài này cCó lẽ phải tiến hành in ảnh sớm cho con cháu sau này còn nhớ :) . Anh viết cứ như là anh có mặt trong cuộc đi chơi chụp ảnh của họ ngoại vậy ạ :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đây là bức ảnh nằm trong dự án đó

      [img]http://farm9.staticflickr.com/8091/8512235155_91660c33de_z.jpg[/img]

      Xóa

Đăng nhận xét