Thăm khu mộ bà Hoàng Thị Loan


Theo Huyền thoại huyệt đạo bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh


Bà Hoàng Thị Loan (mẹ cụ Hồ) mất ở Huế khi vừa qua tuổi 32. Lúc qua đời bên cạnh bà chỉ có cậu bé Nguyễn Sinh Cung 10 tuổi và người em Nguyễn Sinh Xin mới được vài tháng tuổi. Lúc đó chỉ còn 8 ngày là đến Tết Tân Sửu (1901). Thi hài của bà Hoàng Thị Loan, được bà con lao động trong phố Đông Ba đưa lên an táng ở núi Tam Tầng, thuộc dãy núi Ngự Bình.

Tháng 5 năm 1906, khi được triều đình mời vào giữ chức Thừa Biện ở bộ Lễ, ông Sắc đưa theo hai con trai là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung vào Huế học tập. Thời gian này ngôi mộ bà Loan trên dãy núi Ngự Bình được cha con ông Sắc chăm chút hương khói. Đến tháng 7 năm 1909, triều đình Huế chuyển ông Sắc đến làm tri huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, Nguyễn Sinh Khiêm trở lại sống ở quê nhà Kim Liên, Nguyễn Sinh Cung sau khi tham gia cuộc biểu tình chống thuế của đồng bào Thừa Thiên Huế, đã xuống tàu Đô dốc Latouche Tréville bôn ba ra hải ngoại. Quãng thời gian dài 13 năm (1909-1922), ngôi mộ bà Hoàng Thị Loan không có sự hương khói của người thân trong gia đình.

Người con gái lớn, Nguyễn Thị Thanh, luôn day dứt khôn nguôi việc để mẹ phải nằm lại một mình ở kinh thành Huế xa cách quê hương. Năm 1922, sau những năm tháng ở tù vì những hoạt động chống Pháp, Nguyễn Thi Thanh được chuyển sang chế độ án trí ở Huế, bà tìm cơ hội cùng mấy người bạn gái bí mật lấy hài cốt bà Hoàng Thị Loan, đi bộ suốt hai tuần mang về đến quê hương Kim Liên. Hài cốt bà Hoàng Thị Loan được yên vị trong khu vườn nhà ông Nguyễn Sinh Sắc.

Ông Nguyễn Sinh Khiêm cũng tham gia chống Pháp và bị tù đầy đến năm 1940. Ông là một thầy địa lý. Ông cho rằng việc để hài cốt mẹ trong vườn không tốt. Sau khi ra tù được ít lâu, ông Khiêm đi khắp các dãy núi trong huyện Nam Đàn và huyện Hưng Nguyên tìm nơi các địa để đưa hài cốt bà Hoàng Thị Loan lên táng ở đó. Cuối cùng ông tìm được một huyệt đạo trên núi Động Tranh thuộc dãy núi Đại Huệ ở địa phận xã Hữu Biệt (nay là xã Nam Giang).

Một ngày đầu tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1942), Nguyễn Sinh Khiêm biện lễ trầu rượu đến làm thủ tục xin phép lý trưởng làng Hữu Biệt (nay là Nam Giang) dẫn 2 người cháu thân tín lên đào chín huyệt rải rác sườn núi Động Tranh thấp. Đêm khuya, một mình Nguyễn Sinh Khiêm khấn vái xin phép thổ thần rồi bí mật đặt hài cốt bà Hoàng Thị Loan xuống một trong chín huyệt đã đào sẵn, lấp đất lại. Sáng hôm sau hai người cháu chỉ việc lấp đất đá cả chín huyệt cho bằng như cũ, kể cả hai người cháu thân tín cũng không biết cụ thể mộ ở chỗ nào.

Sau khi được gặp Hồ Chủ Tịch ngày 03-11-1946 tại Hà Nội, ông Nguyễn Sinh Khiêm trở về quê báo tin cho bà con trong họ rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là em Nguyễn Sinh Cung của mình. Mấy ngày sau đó Nguyễn Sinh Khiêm và Hoàng Xuân lên đỉnh núi Động Tranh thấp, chỉ cụ thể vị trí ngôi mộ mà ông đã tán bằng và nói: “Đây chính là ngôi mộ của mẹ tôi”. Hôm đó bà con hai họ đã lấy đá núi đấp thành nấm mộ nhỏ và cắm bia: “Hoàng Thị Loan chi mộ 1868-1901”. Từ đó hàng năm cứ đến kỳ tảo mộ bà con trong họ lại đắp thêm đá lên cho ngôi mộ ngày một to lớn hơn.


IMG_0624

Từ Cửa Lò, chúng tôi quyết định đi Nam Đàn, cách đó khoảng 30km. Theo gợi ý của cậu lái xe buổi sáng khi đi sẽ chạy qua thành phố Vinh, ghé thăm Quảng trường Hồ Chí Minh, tiếp theo viếng mộ bà Hoàng Thị Loan rồi thăm hai quê nội ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi về vào buổi trưa sẽ chạy theo đường sinh thái ven sông Lam, qua chân cầu Bến Thủy. Thành phố Vinh khá hiện đại và khang trang.

IMG_0613

Quảng trường Hồ Chí Minh ở trung tâm thành phố. Rất rộng. Quy hoạch từa tựa quảng trường Lăng Bác ở Hà Nội. Cũng những ô cỏ vuông phía trước, hai bên tượng đài là hai khán đài.

IMG_0621

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh cao 12m tạc bằng đá hoa cương, với hai cây hoa đại bên chân tượng. Tượng quay lưng vào một gò núi đắp bằng đất mô phỏng từ núi Chung ở huyện Nam Đàn. Các loại cây được mang từ khắp đất nước về đây trồng. Mầu xanh này làm dịu bớt cái nắng chói lóa của miền Trung.

IMG_0627

Cổng vào khu mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mộ đặt trên núi Động Tranh thuộc dãy núi Đại Huệ trong  xã Nam Giang, huyện Nam Đàn.

IMG_0629

Đường lên núi được lát bằng đá phiến đá với hàng lan can đúc bê tông tạo hình thân tre, từng chặng có đặt các ghế đá cho người hành lễ nghỉ chân. Ngọn núi này được truyền tụng là nơi các địa để đặt mộ, vì thế trên đường đi ta có thể gặp những ngôi của các gia đình khác.

IMG_0630

Cậu lái xe chụp cho cả nhà một bức dưới bóng thông gần khu mộ của cụ Hà Thị Hy (bà nội Chủ tịch Hồ Chí Minh)

IMG_0632

Mộ cụ Hà Thị Hy nằm bên trái đường lên, có biển chỉ dẫn, có ghế đá và giàn cây leo che bóng mát cho khách nghỉ chân

IMG_0636

Mộ cụ Hà Thị Hy. Cuộc đời cụ vẫn là một bí ẩn đối với lịch sử. Một người con gái xinh đẹp, nổi tiếng trong phường hát kết hôn với một lão nông góa vợ, già lụ khụ đã dựng vợ cho con. (Đọc thêm ở đây )

IMG_0634

Rừng thông bạc mầu vì nắng và nóng

IMG_0637

Khá mệt

IMG_0638

Thắp hương cho cụ Hy xong chúng tôi tiếp tục hành trình lên mộ bà Hoàng Thị Loan

IMG_0640

Thêm một ngôi mộ khác ven đường đi.  Không biết có bao nhiêu sự nghiệp phát lên từ ngọn núi thiêng này?

IMG_0642

Lối lên mộ bà Hoàng Thị Loan. Số các bậc lên, xuống ở đây được gắn với những ý nghĩa khác nhau. Ví dụ: từ cổng đón đến mộ có 269 bậc (số 69 là năm mất của chủ tịch HCM), từ mộ xuống cổng kết có 242 bậc (số 42 là năm ông Nguyễn Sinh Khiêm đưa hài cốt mẹ về đây).

  IMG_0651

Ngôi mộ có hình dáng một bông hoa sen cách điệu được ốp bằng đá trắng, phía đầu mộ là một bức cuốn thư đá trắng chạm khắc những bông sen.

IMG_0646 

Trước phần mộ là sân bia với 33 bậc đá dẫn xuống, số 33 tượng trưng cho tuổi đời của Bà. Toàn bộ khu mộ vừa được tôn tạo. Phần mái che mộ được cách điệu theo khung cửi dệt vải, vật dụng lao động gắn với cuộc đời bà Hoàng Thị Loan, đường lên và lối xuống như hai dải lụa vắt qua khung cửi

IMG_0645

Bờ lan can sân bia. Hoa văn trang trí trên toàn bộ công trình là những đóa sen. Không biết về phong thủy, nhưng phải công nhận địa thế của ngôi mộ tuyệt đẹp, từ đây có thể nhìn ra bao la một vùng quê xứ Nghệ.

IMG_0653

Ra về. Vương vấn một câu ca xưa: "Một quan là sáu trăm đồng/ Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi..."

Nhận xét