Hoàng Trù - Quê ngoại cụ Hồ


Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra tại quê ngoại, làng Hoàng Trù (còn gọi làng Chùa), xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Khu di tích Hoàng Trù bao gồm: Ngôi nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân, ngôi nhà cụ Hoàng Đường (ông ngoại cụ Hồ), và ngôi nhà nơi cụ Hồ ra đời.


IMG_0691

Lối đi giữa hai bờ dậu dẫn đến cơ ngơi của nhà nho Hoàng Xuân Đường. Ông Đường có hai người con gái: Hoàng Thị Loan (sau này là mẹ cụ Hồ) và Hoàng Thị An. Năm 1878 ông Đường nhận từ làng Sen về một cậu bé mồ côi làm con nuôi. Đó là Nguyễn Sinh Sắc (sau này là bố cụ Hồ), lúc này cậu bé 15 tuổi [*]

IMG_0687

Ông Hoàng Đường trở thành cha nuôi và là thầy giáo của cậu Sắc. Năm cậu Sắc 18 tuổi, ông Hoàng Đường quyết định chọn con nuôi làm rể. Đám cưới diễn ra khi Nguyễn Sinh Sắc 21 tuổi và Hoàng Thị Loan 15 tuổi. Vợ chồng ông Đường cắt khoảnh đất nằm ở góc vườn phía tây dựng nhà cho con gái và con rể. Chính trong ngôi nhà tranh ba gian này các cháu ngoại của ông bà Hoàng Đường lần lượt ra đời và được ông ngoại đặt tên: Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung.

IMG_0660

Gian chính ngôi nhà của ông bà ngoại cụ Hồ.  Sinh thời, đây là nơi ông Đường dạy học. Thầy ngồi trên phản, các trò mang theo ghế, ngồi xung quanh, lấy mép tấm phản làm bàn.

IMG_0658

Bộ tràng kỉ bằng tre với những dụng cụ dạy học như bút lông, nghiên mực nơi ông Đường chấm bài và tiếp khách

IMG_0665

Gian nhà thông với nhà thờ chi nhánh dòng họ Hoàng Xuân, ngôi nhà xây duy nhất trong cụm di tích. Ban đầu nhà thờ họ lợp tranh, đến năm 1930 được tu sửa và lợp ngói như hiện nay. Trong điều điện thời tiết khô nắng của miền Trung, để phòng chống cháy cho cụm di tích này, một hệ thống phun mưa nhân tạo thường xuyên được kích hoạt làm cho khoảng sân quanh nhà luôn ướt át. 

IMG_0664

Quá đông người. Các con lơ ngơ tránh khỏi dòng người chen chúc

IMG_0685

Trong ngôi nhà tranh ba gian này người dân làng Hoàng Trù đã chứng kiến một cảnh hết sức quen thuộc, đầm ấm của đôi vợ chồng trẻ: “Chồng miệt mài kinh sử, thiếp canh cửi đưa thoi”.

IMG_0682

Nhà tranh, vách nứa lốm đốm những vệt nắng. Gian ngoài cạnh cửa sổ có chiếc án thư với nghiên mực, hộp đựng bút lông, hai chiếc ghế vuông,

IMG_0683

Chếch về phía trong là giá đựng sách. Cụ Hoàng Đường thường qua đây trao đổi với con rể về văn chương, chữ nghĩa.

IMG_0680

Gian giữa sát phên có chiếc giường nhỏ bằng gỗ xoan, liếp nứa, trải chiếu mộc, chiếc màn bằng vải nhuộm nâu là nơi nghỉ của ông Sắc và bà Loan. Sát bên chiếc giường là chiếc rương gỗ nhỏ dùng đựng lương thực và các vật quí của gia đình. Tại đây còn có chiếc võng gai đơn sơ, nơi cậu bé Cung đã từng nằm ngủ trong lời ru của mẹ.  

IMG_0678

Công cụ lao động của bà Loan dùng để dệt vải, dệt lụa nuôi sống cả gia đình. Từ ngày ra ở riêng, suốt thời gian mười một năm sống trên mảnh đất quê nhà, bà Loan tần tảo lao động ngoài đồng ruộng, đến bữa tất tả lo cơm nước cho chồng con, tối đến lại ngồi bên khung cửi, vừa dệt vải, vừa đưa võng ru con, nhiều đêm thức tới khuya động viên chồng ôn luyện văn chương.

IMG_0666

Toàn cảnh ngôi nhà nơi tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung nhìn từ nhà ông bà ngoại 

IMG_0667

Bếp nằm phía sau gian nhà

IMG_0669

Gian nhà chính cũng như bếp đều rất thấp, người lớn ra vào phải cúi lom khom

IMG_0673

Bếp nấu ăn

IMG_0674

Hũ gạo và bàn ăn.  Học vị cử nhân ông Nguyễn Sinh Sắc giành được trong khoa thi Hương năm 1894 tại trường Nghệ An sau 16 năm rùi mài kinh sử là công sức lao động của bà Hoàng Thị Loan. Sau khi đỗ cử nhân, ông Sắc vào Huế lần đầu dự kỳ thi Hội năm Ất Vị (1895), nhưng không đậu. Để chuẩn bị cho cậu con trai ngoài giá thú Nguyễn Sinh Sắc vào tiếp khoa thi năm Tuất (1898), ông Hồ Sỹ  Tạo đã nhờ tới những người quen làm đại quan trong triều đình giúp đỡ để Nguyễn Sinh Sắc được vào học Trường Quốc Tử Giám.

IMG_0688

Cuối năm 1895, vì muốn giúp chồng tiếp tục học hành, đỗ đạt cao hơn, bà Hoàng Thị Loan gửi lại cô con gái lớn 11 tuổi cho mẹ già,  rồi đưa hai con trai là Nguyễn Sinh Khiêm (7tuổi) và Nguyễn Sinh Cung (5 tuổi), gồng gánh theo chồng vào Huế. Lần ra đi này là vĩnh viễn. Năm 1901 Bà mất ở Huế, khi vừa qua tuổi 32.  Sau này, khi ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ phó bảng, vinh quy bái tổ về làng, gia đình ông chuyển sang làng Sen quê nội... Cụ Hồ, sau những năm tháng bôn ba, khi trở thành chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, về thăm nơi này một lần duy nhất vào năm 1961.

IMG_0694

Rời làng Chùa. Hàng quán kinh doanh ăn theo khu di tích gây một ấn tượng khó chịu về sự lộn xộn


[*] Theo chính sử Nguyễn Sinh Sắc là con ông Nguyễn Sinh Nhậm và bà Hà Thi Hy. Tuy nhiên, dã sử vùng này lại khẳng định cha đẻ của Nguyễn Sinh Sắc là cử nhân Hồ Sỹ Tạo. Ông Tạo nổi tiếng tài hoa, mê hát. Bà Hy là người hát hay, xinh đẹp. Khi dạy học trong nhà họ Hà ông Tạo đã có vợ. Trai tài, gái sắc gặp nhau. Khi bà Hy có thai, để tránh tiếng xấu, họ Hà đành ngậm ngùi gả bà cho một lão nông goá vợ. Cậu bé Sắc ra đời được mang họ Nguyễn Sinh của người cha hờ. Năm cậu lên 3 tuổi thì ông Nhậm chết, một năm sau bà Hy cũng qua đời trong sự ghẻ lạnh của họ hàng nhà chồng. Cậu bé Sắc đành phải về sống với vợ chồng người anh là Nguyễn Sinh Thuyết.

Các cụ ngày xưa rất quan tâm đến tướng số, nòi giống. Một lần, ông Hoàng Đường từ làng Chùa sang làng Sen thăm bạn là ông Tú Vương, thầy giáo của cậu Sắc. “Học trò được ra chơi. Đôi bạn trò chuyện với nhau rất lâu. Ngoài chuyện thơ phú, văn chương, thi cử… còn có chuyện cậu bé Sắc. Họ bàn với nhau những gì không rõ. Chỉ biết rằng ít lâu sau, ông Tú Hoàng Đường đến nhà Nguyễn Sinh Thuyết xin được nhận chăm nuôi cậu bé Sắc. Vợ chồng Thuyết mừng rơn. Thuyết còn chút tình người, song vợ Thyết từ lâu hậm hực, căm ghét, sợ phải chia gia tài, phải nuôi tốn kém… nên đã đồng ý liền, coi như trút được hết gánh nặng tội nợ… Ông Hoàng Đường vội mang cậu bé Sắc về ngay." (trích theo Hồ Sỹ Sênh trong "Chuyện ở sân sau: Về ông nội và người cha của Chủ tịch Hồ Chí Minh")



Nhận xét