Hội An








Ở Hội An du khách nước ngoài có phần đông hơn du khách Việt. Họ có mặt ở khắp nơi: lang thang trên các con phố cổ, dán mắt vào các đồ vật trong Hội quán, chùa miếu, chen lấn trong khu chợ đông nghẹt người…Cái gì hấp dẫn họ, trong khi những người trong đoàn mình chỉ đủ kiên nhẫn đi hết một con phố ngắn, rồi kiếm một cái quán ngồi tán chuyện chờ giờ quay trở lại xe. Tại sao thế?

Một lần, trước câu hỏi tại sao không dùng xe để về sau ngày làm việc, Bob - chuyên gia kinh tế của UNDP - bảo nó thích đi bộ ngắm sinh hoạt đời thường của thành phố: các gia đình quây quần bên mâm cơm chiều, những người chủ tiệm vừa ăn cơm vừa tranh thủ bán hàng, trẻ con nô đùa ngoài phố. Một đời sống thật với những lộn xộn, lem luốc lại thu hút nó.

Trong đời sống hiện đại, con người thích hướng về những xưa cũ, dù là những thứ phục dựng. Mình nhớ đến chợ phiên ở Teruel trong festival de folklore. Người ta cất công chở về đó cả gia súc và rơm rạ. Mấy con phố lát đá cổ xưa rải đầy rơm, san sát những rạp hàng nho nhỏ: chỗ này bán phoma, kẹo, mứt, xà phòng, chỗ kia bán đồ da với những giầy, ví, thắt lưng, đối diện là quầy hàng với những con rối gỗ cho trẻ…Vô số những thứ đồ thủ công truyền thống. Họ vừa làm tại chỗ, vừa bán cho du khách. Mọi người mặc trang phục từ thời nảo, thời nào, đẹp lạ lẫm. Để thêm phần xưa cũ cho chợ phiên, người ta mời cả những gánh xiếc rong chỉ còn tồn tại ở những sắc dân miền núi xuống biểu diễn. Nào tung hứng, thổi lửa, ảo thuật, điều khiển thú. Rồi những cậu bé má hồng như trái táo mùa lạnh cầm chiếc mũ ống đi quyên tiền du khách. Đằng kia, ở góc phố rẽ vào chợ có cô gái digan ngồi bói thuê cho những du khách hiếu kì. Và âm nhạc, thứ âm nhạc đặc trưng của người Tây ban Nha với tiếng guitar luyến láy, tiếng mõ lách cách quấn vào bước chân vũ công trong điệu flamenco. Người ta phục dựng lại một không gian xưa cho du khách thưởng ngoạn bằng tất cả các giác quan: nhìn, nghe, sờ, ngửi, nếm…

Đi giữa những phố cổ, nhận thấy, như bất cứ điểm đến nào Hội An cũng đang chịu sức ép của du lịch, dù ở đây người ta cố gắng giữ lại càng nhiều càng tốt cái không khí xưa. Giữ lại để mai ngày không phải phục dựng. Người Hội An vẫn buôn bán, sinh hoạt dưới những nếp nhà cổ đẹp hơn tranh phố Phái, vẫn ngày ngày lại qua sông Thu Bồn trên những con đò ngày nào, vẫn ồn ào bán mua trong khu chợ đông nghẹt khách ngoại quốc. Đô thị này hấp dẫn các giác quan du khách. 

Hết giờ dạo phố cổ, mọi người giục lên xe quay về Đà Nẵng, bỏ cơ hội ngắm Hội An trong ánh sáng đèn lồng. Đành vậy. Mệt mỏi bởi kẹt xe và ô nhiễm của những đô thị hiện đại, người ta ao ước trở lại không gian xưa, nhưng lại chẳng đủ kiên nhẫn để đi hết cái không gian ấy, nói chi đến chuyện sống với nó. Thích ngắm những xưa cũ, nhưng lại không quen qua đêm trong những căn phòng thiếu máy lạnh, truyền hình cáp và toilet đạt tiêu chuẩn…Mà không chỉ với du khách, cư dân Hội An thực sự cũng có nhu cầu với những tiện nghi hiện đại. Liệu có giữ những ngôi nhà sẫm mầu thời gian ấy khỏi bị xâm lăng bởi nhấp nhô những chảo angten, những cục điều hoà. Hình như Hội An làm được.


Nhận xét