Đôi bờ Hiền Lương





Con sông này có tên khai sinh là sông Minh Lương (tên một ngôi làng ở bờ bắc), dài gần 100km, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chạy dọc vĩ tuyến 17 đổ ra biển Đông tại cửa Tùng. Dưới thời vua Minh Mạng, do phạm húy chữ “Minh” nên tên làng và tên sông đều đổi thành Hiền Lương. Còn tên Bến Hải do người Pháp viết trên bản đồ từ địa danh “Bến Hai” (ở thượng nguồn sông) mà thành.




Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải tại km 735 trên quốc lộ 1A. Xưa kia đoạn sông rộng 100m này chỉ có bến phà. Đến năm 1928, chính quyền phủ Vĩnh Linh huy động sức dân làm một chiếc cầu bằng gỗ, cọc sắt rộng 2m chỉ đủ trọng tải cho khách bộ hành. Qua hai lần sửa chữa của thực dân Pháp (1931, 1934) xe cơ giới nhỏ đã có thể qua được.

Năm 1950, do yêu cầu quân sự, Pháp cho xây dựng lại cầu bằng bê tông cốt thép, dài 162m, rộng 3,6m, trọng tải 10 tấn. Cầu tồn tại được 2 năm thì bị du kích của ta đặt bọc phá đánh sập để ngăn chặn sự tiến công của quân Pháp.

Tháng 5- 1952 người Pháp lại cho xây dựng cầu mới. Cầu dài 178m có 3 nhịp, trụ bằng bê tông cốt thép, dầm cầu bằng thép, mặt cầu lát gỗ thông, rộng 4m, hai bên có thành chắn cao 1,2m, trọng tải tối đa 18 tấn.




Ngày 20/7/1954 hiệp định Genève được kí kết, đất nước bị chia đôi và vĩ tuyến 17 trở thành ranh giới quân sự tạm thời. Sông Bến Hải là đường biên chia cắt. Trong thời gian chia cắt cầu chia làm hai phần, mỗi bên dài 89m, sơn hai màu khác nhau. Bờ Bắc gồm 450 tấm ván mặt cầu, bờ nam 444 tấm. Giữa cầu có vạch sơn trắng biểu tương của vĩ tuyến 17 chạy qua.




Suốt một thời hai bên tranh chấp nhau mầu sơn cầu. Phía Nam dùng mầu xanh sơn nửa của mình để thể hiện chủ quyền. Phía Bắc cũng dùng mầu xanh để thể hiện ý chí thống nhất đất nước. Phía Nam đổi sang mầu nâu, phía Bắc cũng sơn nâu. Cứ thế, cầu Hiền Lương luôn thay đổi màu sắc.




Hai bên "chạy đua" về chiều cao cột cờ và diện rộng của lá cờ. Chỉ tính riêng từ ngày 19/5/1956 đến ngày 28/10/1967, phía bờ Bắc đã treo hết 267 lá cờ các cỡ.







Hai bên xây dựng trên bờ sông hệ thống loa tuyên truyền. Trong cuộc chiến âm thanh này hệ thống loa bờ Bắc thực sự lấn át giàn loa bờ Nam. Bức ảnh này cho thấy độ lớn của những chiếc loa. Không hiểu "Xa khơi" hay "Câu hò trên bờ Hiền Lương" mà phát trên hệ thống loa này thì thế nào.




Trong những năm chia cắt không ai đựơc qua cầu Hiền lương trừ lực lượng cảnh sát hai bên. Hàng tháng, vào ngày chẵn, một tổ 3 người phía Bắc mang sổ trực sang bờ Nam và vào ngày lẻ, một tổ 3 người của phía Nam lại sang bờ Bắc trao đổi công việc.

Năm 1965 hệ thống đồn bốt dọc 2 bờ sông Bến Hải tan rã khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc

Năm 1966 quân ta đánh vào Cồn Tiên, Dốc Miếu. Năm 1967 xã Trung Hải giải phóng, cầu Hiền Lương suốt ngày bị pháo kích và máy bay oanh tạc vô cùng ác liệt. Nhân dân các xã vùng giải phóng Gio Linh, và cả nhân dân khu Vĩnh Linh, phải sơ tán ra các tỉnh miền Bắc, chỉ có lực lượng du kích ở lại chiến đấu cùng bộ đội.

Cầu Hiền lương bị máy bay Mỹ đánh sập năm 1967

Từ năm 1972-1974, bộ đội công binh bắc cầu phao dã chiến cách cầu cũ 20m về phía tây. Bấy giờ, Hiệp định Paris đã có hiệu lực, giới tuyến quân sự tạm thời được dời chuyển vào sông Thạch Hãn, cách Hiền Lương 35 km, ngăn cách một bên là Chính phủ Cách mạng Miền Nam, một bên là chế độ Sài Gòn.

Đến năm 1974, cầu Hiền Lương được xây dựng lại bằng bêtông cốt thép dài 186m, rộng 9m, có hành lang cho người đi bộ rộng 1.2m.




Sau ngày thống nhất đất nước cầu cũ càng ngày càng xuống cấp nghiệm trọng. Năm 1996, Việt Nam cho xây cầu mới bằng bê tông, dài 230m, rộng 11,5m, nằm về phía tây cầu cũ.

Tượng đài Kát vọng thống nhất


Năm 2001 cầu Hiền Lương lịch sử được phục chế nguyên mẫu, đáng chú ý là công trình tôn vinh mang tên cụm tượng đài "Khát vọng thống nhất" đặt ở bờ nam sông Bến Hải, được chia t
hành hai phần, gồm hình tượng người mẹ miền Nam và em bé mang nỗi chờ mong khắc khoải, mắt hướng về phía bờ bắc, nơi có kỳ đài ở đầu cầu giới tuyến. Phía sau hình tượng người mẹ và em bé là hình ảnh những tàu lá dừa của miền Nam vút lên từ trong lòng đất thể hiện khát khát vọng, và sức mạnh tiềm tàng và dẻo dai của người miền Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

(Tổng hợp thông tin trên Internet. Ảnh của gia đình chụp trong chuyến đi tháng Ba và tháng Năm 2008)

Nhận xét