54 và 75

Ảnh tư liệu cầu Hiền Lương


Hồi bé tôi rất thích xem những bức ảnh trong cuốn album gia đình. Bố đẹp trai, lịch lãm trong bộ complet, mẹ sang trọng với áo dài, vòng xuyến, còn anh như cậu ấm con quan, cưỡi ngựa gỗ, đội mũ kepi. Suốt thời thơ tôi luôn thấy bố mẹ lam lũ trong những bộ quần áo sẫm mầu, bạc mồ hôi muối, với những mụn vá hay những miếng tích kê dầy cộp, nên với tôi cái áo comple của bố là dấu vết còn lại của sự sung túc chưa từng được nếm trải. Cái áo mầu sáng đó giờ treo trong tủ, chỉ đem ra mặc những dịp Tết. Còn bé nhưng chúng tôi lờ mờ hiểu có một sự sa xút trong gia cảnh gia đình. Chỉ thoáng qua thôi, chẳng bận tâm nhiều vì thời đó mọi người đều sống khổ cực và thiếu thốn. Anh em tôi, như những con lợn con háu đói, được nuôi lớn bằng những nồi cơm độn và những rổ rau luộc to tướng.

Dẫu thế, kí ức xưa thỉnh thoảng trở về khi mẹ mang áo comple của bố ra chải bụi. Mẹ vừa chải vừa kể về cái ngày xưa nào đó, ngày bố mẹ còn ở dưới Hải Phòng. Bố có tiệm may với vài người thợ, mẹ mở quầy tạp hoá. Không giầu có nhưng nhà có người giúp việc. Mẹ bảo ngày trẻ bố ham chơi lắm, tiền kiếm đựơc bao nhiêu ném vào chiếu bạc hết. Mẹ lộn ngược chiếc áo chỉ những đường may bố từng gỡ ra và giấu tiền vào lần lót mỗi tối đi chơi bạc.Vốn dĩ tính hiền lành, khi bị mẹ làm dữ, chắc bố cũng ngán. Không biết ngày ấy bố mẹ có cãi vã căng thẳng không, chứ bây giờ, khi bị tố tội bố chẳng nói gì, chỉ cặm cụi đạp máy khâu. Hình như bố cũng hối hận đã không biết lo xa, không lường trước có ngày gia đình lâm vào cảnh bần hàn, túng thiếu. May có mẹ chắt chiu, giấu diếm, tích được ít vàng. Suốt những năm chiến tranh vòng xuyến, dây chuyền, hoa tai của mẹ lần lượt biến thành cơm gạo đổ vào mấy cái tàu há mồm là anh em chúng tôi. “Nếu cứ như bố chúng này thì cả nhà chết đói từ lâu” mẹ bảo vậy.

1954. Bố mẹ sống ở Hải Phòng, trẻ hơn tuổi tôi bây giờ, vừa mới sinh anh trai lớn. Hiệp định Genève được kí kết, chia đôi một dân tộc, một đất nước. Hải Phòng đang chờ tiếp quản. Người từ khắp nơi nháo nhào đổ về, chờ xuống tàu di cư vào Nam. Theo hiệp định người dân Việt Nam có 300 ngày để quyết định lựa chọn phần đất sinh sống cho mình. Và lịch sử đã chứng kiến hàng triệu người dân Việt, như con sông với hai dòng chảy xuôi ngược, vì những lí do khác nhau hoặc di cư vào Nam hoặc tập kết ra Bắc. Cuộc ly tán bắt đầu.

Nhà bố mẹ trở thành nơi tá túc cho họ hàng trong lúc chờ xuống tầu. Mọi người khuyên bố mẹ bán nhà và tài sản ra đi. Nhưng khắp nơi người ta đang bán tống, bán tháo hàng hoá, đồ dùng, tài sản, anh cả còn ẵm ngửa, chắc không chụi nổi hành trình gian truân trên biển nên bố mẹ quyết định ngược dòng người về Hà Nội. Trước khi rời Hải Phòng bố mẹ phát hiện ra bà và chú biến mất.

1975. Đất nước thống nhất. Ông chú ra đi hồi 8 tuổi đó liên hệ về đất Bắc. Bà đã mất. Thư viết về đầy xót xa phần đời lưu lạc, kí ức chú vẫn in đậm ngày trốn xuống tầu. Hôm đó bà nói dối bố mẹ xuống trại lính thăm con gái, nhưng thực tế đã sẵn sàng để ra đi. Bà cõng chú, rồi tất cả mấy mẹ con, bà cháu bồng bế nhau leo lên xe chạy xuống cảng. Lúc ngang qua phố nhà bố mẹ, bà lấy nón chụp lên đầu chú và bảo nằm sát xuống sàn xe tránh không để người quen nhìn thấy. Một cuộc ra đi vội vã, chia lìa 21 năm.

Niềm vui thống nhất cũng qua nhanh. Giáo viên chế độ cũ như chú khó được tuyển dụng. Chán chường, chú quyết định đem vợ con theo gia đình chị gái phiêu dạt lên vùng kinh tế mới. Ngoài Bắc bố mẹ quá nghèo để vào Nam thăm cô, chú. Bố và chú chỉ gặp lại nhau sau nhiều năm nữa, khi tất cả đã già. Còn người em gái – sau ngày ở Hải Phòng bố không bao giờ gặp lại nữa.

…9 h sáng. Dừng lại trước dòng sông nhỏ sáng trắng ánh mặt trời, cây cầu sắt với những tấm ván gỗ gấp gềnh bước thời gian. Nhắc tên dòng sông này những người thuộc thế hệ tôi nhớ ngay đến những cảnh phim “Vĩ tuyến 17 – Ngày và đêm”, giờ đứng trước nó vẫn không khỏi ngỡ ngàng. Sông hẹp, người bên này đằng hắng, người bên kia nghe rõ. Một câu hò cũng xôn xao cả đôi bờ. Vậy mà bao nhiêu năm chia cắt.

Tôi cố hình dung những điều đọc qua sách báo, tưởng tượng cảnh trước khi cuộc chiến nổ ra ác liệt, những ngày lễ tết dân hai miền đổ ra bến sông để tìm kiếm, liên lạc với người thân bên kia giới tuyến. Khi đó hai bờ con sông này chắc ngập đầy nước mắt. Đám đông con người tuyệt vọng ấy tìm mọi cách để nhận ra nhau qua trang phục, hình dáng, giọng nói. Bà, cô, chú chưa bao giờ ngang qua dòng sông này, nhưng chắc chắn tên sông đã khắc vào tâm khảm họ một nỗi đau. Bao nhiêu năm đôi bờ phải giấu biệt mối quan hệ ruột thịt.

Dòng sông yên ả trôi dưới mặt trời, tôi cố tìm dấu tích cây cầu phao dã chiến năm nào, đúng 18 năm sau ngày bố mẹ ẵm lên Hà nội, anh lớn vượt sông vào Nam chiến đấu. Anh có biết hay không bên kia chiến tuyến có cả người trong gia tộc mình. Cuộc chiến vừa qua đâu hiếm những gia đình có người thân ở hai bờ chiến tuyến. Họ đã bắn vào nhau. Chuyện đó mãi là vết thương khó lành, cũng như tên sông không biết bao lâu nữa vẫn còn gợi nỗi đau ngăn cách.

Nhận xét