Departure

Chưa bao giờ gia đình ba anh chị em đi du lịch chung, khi bận việc cơ quan, khi chăm bố ốm. Hè này kế hoạch đi Nha Trang, phần thưởng tặng con trai thi đậu trường Amsterdam, được tán thưởng nhiệt liệt. Bọn trẻ hào hứng lắm,  nôn nóng đếm từng ngày. Nộp hồ sơ nhập trường xong, vé máy bay chỉ còn hạng business, chúng đưa ý kiến đi tầu hỏa, khoản tiết kiệm từ giá vé dành để “ăn chơi”.

Lâu lắm rồi, dễ đến hai chục năm, không đi đâu bằng tầu lửa, ngại cái mùi ga tầu, mùi dầu sả dùng để tẩy uế toilet trên tầu. Thử xem nhà tầu có đổi khác gì so với thời bao cấp.

Chạng vạng tối khởi hành, bên ngoài bóng đêm buông dần. Chưa bị mệt vì xô lắc, bọn trẻ tụ tập trong khoang đùa nghịch huyên náo, mỗi khi có ai ra ngoài, đứa ở trong chốt cửa, rồi bắt nhau đọc đủ các loại mật khấu kì quái. Mệt mỏi vì cả tuần làm ca đêm hắn leo lên tầng nằm, nhưng cơn ngủ không đến. Đồng hồ sinh học trong hắn đảo lộn: đêm thức, ngày ngủ, cứ vật vờ ngật ngưỡng. Hắn nằm đó, trong lắc lư, trong tiếng toa xe rầm rập trên ray tầu. Trong đêm đen đoàn tầu băng băng lao về phía trước, tâm trí hắn miên man trôi ngược về quá khứ. Hắn nhớ ngày bằng tuổi con trai bây giờ, phương tiện gần như duy nhất mỗi lần về quê là tầu hỏa. Bao giờ mấy anh em hắn cũng đi cùng cha mẹ. Cái khỏang cách hơn một trăm cây số giữa quê hắn và Hà nội ngày đó sao xa là vậy. Mỗi lần về quê phái chuẩn bị từ trước hàng tháng trời. Ngày ấy phần lớn những chuyến tầu đều là “tầu chợ”, kể cả các chuyến được gọi là tầu tốc hành. Cái tên “tầu chợ” đã nói lên đầy đủ cảnh đi tầu ngày ấy. Chính sách ngăn sông cấm chợ biến khách đi tầu thành những người đi chợ xa, họ tranh thủ mang vác từ thành phố về quê tất cả những gì ở quê không có, rồi khi trở về lại lỉnh kỉnh với đủ các thứ nông phẩm: từ yến gạo quê, cân đỗ, bơ lạc, con gà, con vịt, hay chỉ là chục trứng, nải chuối… Toa xe giống hệt một cái chợ phiên, trong cái chật chội, bẩn thỉu, hôi hám ấy lũ trẻ như hắn luôn tìm được niềm vui. Có lần hắn cùng anh trai kiên nhẫn ngồi im hàng tiếng đồng hồ, giữ yên cái vỏ chuối để con ruồi đậu trên đó không bay mất, rồi phân chia thắng bại bằng số ga tầu con ruồi đi theo mình. Bóng đêm bên ngoài dầy đặc. Lũ trẻ đã ngủ, nhưng hắn không ngủ được. Điều hòa trong khoang không điều chỉnh được, càng về đêm càng lạnh. Hắn quơ chiếc chăn mỏng chum lên người, cố quên cảm giác ghê ghê khi phải dung những thú đồ công cộng chắc chẳng lấy gì làm sạch sẽ cho lắm. Lơ mơ hắn thấy ngoài kia là tuyết trắng, trắng mênh mông, một màu trắng trải suốt tới tận chân trời. Một mình hắn xa lạ trong cái kupe toàn những người dị chủng, cảm giác cô đơn bám dính lấy hắn cảm suốt chặng đường gần ba nghìn cây số từ miền trung Nga xuống tận Bắc Osechia. Hình ảnh vụ thảm sát con tin tại buổi khai giảng năm học làm hắn rung mình. Không, làm gì có vụ thảm sát nào, hắn tới đó lâu lắm rồi mà. Trong kí ức hắn thời gian chẳng còn ranh giới, trộn hỗn độn thành một mớ. Loáng thoáng những khuôn mặt xa lạ, nhiều sắc tộc, cả Âu, cả Á. Chắc chắn có chuyến đi đó, hắn nhớ như in cái cảm giác bị cầm tù trong toa xe lắc lư, đêm ngủ vùi, ngày chẳng biết làm gì, nằm suốt trên gường tầng thật bất tiện, hết đứng ngoài hành lang ngắm những cánh rừng phủ ngập tuyết trắng, rồi lại tụ tập hút thuốc đầu toa cùng mấy gã trai người Nga chửi thề và nhổ bọt. Ngoài kia tuyết trắng đến lóa mắt. Hắn lé mắt nhìn. Đã hết một đêm. 




Nhận xét